CO form D là gì? Trong các bài trước mình đã cùng các bạn đi tìm hiểu về CO form A, CO form E,… Thế nhưng hôm nay khi check email mình lại nhận được khá nhiều câu hỏi liên quan tới CO form D. Để lý giải thắc mắc của nhiều bạn thì sẽ viết bài viết này để chia sẻ kiến thực về CO form D cũng như hướng dẫn cách điền CO form D.
CO là gì?
Như mọi bài tìm hiểu về CO, mình đều giới thiệu cho các bạn CO là gì. Và tương tự trong bài viết này cũng vậy. CO được hiểu đơn giản là giấy chứng nhận hàng hóa, nó cho biết hàng hóa được xuất xứ từ quốc gia nào. Hơn nữa khi có trong tay giấy chứng nhận CO bạn còn có thể nhận được nhiều ưu đãi về thuế.
CO form D là gì?
Vậy câu hỏi đặt ra CO form D là gì? CO form D là giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa áp dụng cho các hàng hóa xuất khẩu sang các nước trong khối ASEAN thuộc diện hưởng ưu đãi thuế theo hiệp định CEPT
CO form D áp dụng với các quốc gia nào?
CO form D áp dụng với các nước trong khối ASEAN, các nước này bao gồm:
- Việt Nam
- Lào
- Campuchia
- Brunay
- In-đô-nê-xi-a
- Ma-lai-xi-a
- Thái Lan
- Xinh-ga-po
- Phi-lip-pin
- Mi-an-ma
Xin CO form D ở đâu?
Hiện nay bộ Công Thương là cơ quan chuyên cấp phát giấy chứng nhận CO. Bạn có thể tới đây để hoàn thiện các thủ tục xin CO form D.
Các văn bản có liên quan
Để giúp các bạn có thể tìm hiểu nhiều hơn về CO form D. Mình xin trích dẫn 3 văn bản pháp luật như sau:
- Thông tư 22/2016/TT-BCT thực hiện quy tắc xuất xứ hàng hóa trong hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN
- Thông tư 10/2019/TT-BCT sửa đổi bổ sung Thông tư số 22/2016/TT-BCT ngày 03 tháng 10 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Công Thương thực hiện Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN
- Nghị định biểu thuế 156/2017/NĐ-CP nội dung: biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN giai đoạn 2018 – 2022
Thời gian xin CO
Thường thì thời gian xin CO sẽ kéo dài trong vòng 03 ngày kể từ ngày hoàn tất thủ tục. Nhưng thường việc xin CO diễn ra khá nhanh chóng. Chỉ trong ngày là bạn có thể nhận được giấy xác nhận CO.
Hướng dẫn kê khai nội dung CO
C/O phải được khai bằng tiếng Anh và đánh máy (trừ trường hợp hướng dẫn ở khoản 15 dưới đây). Nội dung khai phải phù hợp với các chứng từ quy định tại Điều 2 của Thông tư này. Nội dung kê khai C/O cụ thể như sau:
- Ô số 1: tên giao dịch của người xuất khẩu, địa chỉ, tên quốc gia xuất khẩu (Việt Nam).
- Ô số 2: Tên người nhận hàng, địa chỉ, tên nước.
- Ô trên cùng bên phải về việc ghi số tham chiếu (do Tổ chức cấp C/O ghi). Số tham chiếu gồm 13 ký tự, chia làm 5 nhóm, với cách ghi cụ thể như sau:
- Nhóm 1: tên nước thành viên xuất khẩu là Việt Nam, gồm 02 ký tự là “VN”;
- Nhóm 2: tên nước thành viên nhập khẩu là các nước thành viên thuộc khối ASEAN, gồm 02 ký tự như sau:
BN: Bru-nây | MM: Mi-an-ma |
KH: Cam-pu-chia | PH: Phi-lip-pin |
ID: In-đô-nê-xi-a | SG: Xinh-ga-po |
LA: Lào | TH: Thái Lan |
MY: Ma-lai-xi-a |
- Nhóm 3: năm cấp C/O, gồm 02 ký tự. Ví dụ: cấp năm 2009 sẽ ghi là “09”;
- Nhóm 4: tên Tổ chức cấp C/O, gồm 02 ký tự. Danh sách các Tổ chức cấp C/O được quy định cụ thể tại Phụ lục XIII. Danh sách này được Bộ Công Thương cập nhật thường xuyên khi có sự thay đổi về các Tổ chức cấp C/O;
- Nhóm 5: số thứ tự của C/O, gồm 05 ký tự;
- Giữa nhóm 1 và nhóm 2 có gạch ngang “-”. Giữa nhóm 3, nhóm 4 và nhóm 5 có dấu gạch chéo “/”.
- Ví dụ: Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực thành phố Hồ Chí Minh cấp C/O mang số thứ 6 cho một lô hàng xuất khẩu sang Thái Lan trong năm 2009 thì cách ghi số tham chiếu của C/O này sẽ là: VN-TH 09/02/00006.
- Ô số 3: ngày khởi hành, tên phương tiện vận tải (nếu gửi bằng máy bay thì đánh “By air”, nếu gửi bằng đường biển thì đánh tên tàu và tên cảng dỡ hàng).
- Ô số 4: cơ quan Hải quan tại cảng hoặc địa điểm nhập khẩu sẽ đánh dấu √ vào ô thích hợp.
- Ô số 5: số thứ tự các mặt hàng (nhiều mặt hàng ghi trên 1 C/O, mỗi mặt hàng có một số thứ tự riêng).
- Ô số 6: ký hiệu và số hiệu của kiện hàng.
- Ô số 7: số kiện hàng, loại kiện hàng, mô tả hàng hoá (bao gồm số lượng và mã HS của nước nhập khẩu).
- Ô số 8: ghi tiêu chí xuất xứ của hàng hóa:
Hàng hóa được sản xuất tại nước ghi đầu tiên ở ô số 11 của C/O: | Điền vào ô số 8: |
a) Hàng hoá có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại nước xuất khẩu theo Điều 3 của Phụ lục I | “WO” |
b) Hàng hoá có xuất xứ không thuần túy theo Điều 4 của Phụ lục I | |
– Hàm lượng giá trị khu vực | Ghi hàm lượng thực tế, ví dụ “40%” |
– Thay đổi mã số hàng hóa | Ghi tiêu chí cụ thể, ví dụ “CC” hoặc “CTH” hoặc “CTSH” |
– Công đoạn gia công chế biến cụ thể | “SP” |
– Tiêu chí kết hợp | Ghi tiêu chí kết hợp cụ thể, ví dụ: “CTSH + 35%” |
c) Hàng hóa đáp ứng khoản 2 Điều 6 của Phụ lục I (cộng gộp từng phần) | “PC x%” trong đó “x” là tỉ lệ phần trăm của hàm lượng giá trị khu vực lớn hơn 20% nhưng nhỏ hơn 40%, ví dụ “PC 25%” |
- Ô số 9: trọng lượng cả bì của hàng hoá (hoặc số lượng khác) và trị giá FOB trong trường hợp sử dụng tiêu chí RVC để xác định xuất xứ hàng hoá.
- Ô số 10: số và ngày của hoá đơn thương mại.
- Ô số 11:
- Dòng thứ nhất ghi chữ “VIET NAM”.
- Dòng thứ hai ghi đầy đủ tên nước nhập khẩu bằng chữ in hoa.
- Dòng thứ ba ghi địa điểm, ngày tháng năm đề nghị cấp C/O, chữ ký của người đề nghị cấp C/O.
- Ô số 12: dành cho cán bộ Tổ chức cấp C/O ghi: ngày tháng năm cấp C/O, chữ ký của cán bộ cấp C/O, con dấu của Tổ chức cấp C/O.
- Ô số 13:
- Đánh dấu √ vào ô “Third Country Invoicing” trong trường hợp hóa đơn thương mại được phát hành bởi một công ty có trụ sở tại một nước thứ ba không phải là nước thành viên, hoặc bởi một công ty có trụ sở tại một nước ASEAN đối với lô hàng của công ty được chỉ định giao hàng. Các thông tin như tên và nước của công ty phát hành hóa đơn nêu trên cần ghi vào ô số 7.
- Đánh dấu √ vào ô “Back-to-Back CO” trong trường hợp tổ chức cấp C/O của nước trung gian cấp C/O giáp lưng theo Điều 11 của Phụ lục VII.
- Đánh dấu √ vào ô “Exhibitions” trong trường hợp hàng hóa gửi từ nước thành viên xuất khẩu để tham gia triển lãm tại một nước khác và được bán trong quá trình hoặc sau triển lãm để nhập khẩu vào một nước thành viên theo Điều 22 của Phụ lục VII, đồng thời ghi tên và địa chỉ của nơi triển lãm vào ô số 2.
- Đánh dấu √ vào ô “Issued Retroactively” trong trường hợp cấp C/O được cấp sau do sai sót hoặc vì lý do chính đáng khác theo khoản 2 Điều 10 của Phụ lục VII.
- Đánh dấu √ vào ô “Accumulation” trong trường hợp hàng hoá có xuất xứ của một nước thành viên được sử dụng làm nguyên liệu tại lãnh thổ của một nước thành viên khác để sản xuất ra một sản phẩm hoàn chỉnh.
- Đánh dấu √ vào ô “Partial Accumulation” trong trường hợp hàm lượng giá trị khu vực của nguyên liệu nhỏ hơn 40% nhưng lớn hơn 20% và C/O được cấp nhằm mục đích cộng gộp theo khoản 2 Điều 6 của Phụ lục I.
- Đánh dấu √ vào ô “De Minimis” nếu hàng hóa không thoả mãn tiêu chí chuyển đổi mã số hàng hóa vì lý do có một số nguyên liệu có mã số HS trùng với mã số HS của sản phẩm nhưng tỉ lệ trùng này không vượt quá 10% giá trị FOB của sản phẩm theo như quy định tại Điều 9 của Phụ lục I.
- Các hướng dẫn khác:
- Trong trường hợp có nhiều mặt hàng khai trên cùng một C/O, nếu mặt hàng nào không được hưởng ưu đãi thuế quan, cơ quan Hải quan đánh dấu thích hợp vào ô số 4 và mặt hàng đó cần được khoanh tròn hoặc đánh dấu thích hợp tại ô số 5.
- Ô số 13 có thể được đánh dấu √ bằng tay hoặc in bằng máy vi tính./.
Các lưu ý về CO form D
Nội dung kê khai trên CO cần được kê khai bằng Tiếng Anh
Nội dung kê khai cần khớp với các thông tin trong trên vận đơn, tờ khai hải quan,..
Thông tin kê khai cần rành mạch, rõ ràng. Nếu như phía cơ quan nhận thấy có sự thiếu minh bạch ở đây họ sẽ dừng ngay việc cấp CO.
Tóm lại thông qua bài viết này mình muốn bạn cần nắm được những nội dung chính về CO form D. Hy vọng bài viết này hữu ích đối với bạn, cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết. Chúc bạn hoàn thành tốt công việc của mình trong ngành xuất nhập khẩu. Hẹn gặp lại bạn ở những bài viết kế tiếp.